Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu
Tác giả: Tự sướng đào ngũ
Chập tối ngày 08/10/2013 tôi được vào 30 Hoàng Diệu để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cổng sắt, sân vườn và ngôi biệt thự cổ bỗng trở nên thân thương với tôi. Nơi đây 25 năm trước chúng tôi đến hàng ngày, chúng tôi cùng nhau thảo luận các ý tưởng, cùng nhau đi dạo trong vườn cây râm mát. Nơi đây FPT của chúng tôi đã ra đời.
Khi đó chủ tịch FPT là người nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh mời chúng tôi đến làm việc về dự án thành lập một công ty với những ý tưởng mới mẻ khi đó. Ban đầu chỉ là nhóm mấy anh em Viện Cơ học, sau đó thêm vào những anh em làm tin học như tôi. Việc chuẩn bị thành lập FPT được khởi động từ đây, mà dự án đầu tiên của nó là xuất một số máy tính cá nhân sang Viện hàn lâm KH Liên Xô. Vốn là bạn học của anh Trương Gia Bình nên tôi cũng được tham gia từ đầu. Tôi đã mời anh Nguyễn Chí Công, khi đó đang là một chuyên gia hàng đầu về máy PC công tác tại Viện Tính toán và điều khiển (nay là Viện CNTT thuộc Viện Hàn lâm KH Việt Nam), về tham gia. Tại gian nhà nối tiếp biệt thự và khu nhà bếp, trên một cái bảng được kê trên một cái ghế, anh Công đã giảng giải cho anh Bình và chúng tôi vê kiến trúc máy PC, những kiến thức mà lúc đó tôi cũng chưa được biết đến.
Tuy là biệt thự của Đại tướng nhưng chúng tôi ra vào thoải mái. Các bạn cảnh vệ đã quen mặt, thuộc tên chúng tôi. Chúng tôi có chỗ ngồi họp, và còn được dành buồng đầu tiên của dãy nhà ngang (vốn dành cho các cán bộ giúp việc và bảo vệ của Đại tướng) để chỗ cho chiếc máy tính đầu tiên của chúng tôi. Nhiều lúc chúng tôi họp dưới dàn hoa lan rừng mà bộ đội Trường Sơn gửi tặng Đại tướng. Đôi khi cùng anh Bình vào nhà bếp xem có gì ăn được không. Còn thoải mái hơn nhiều nhà riêng khác. Những lúc rỗi chúng tôi thư giãn với bàn bóng bàn của gia đình Đại tướng, hoặc đi dạo trong vườn vốn rộng rãi và râm mát. Cũng tại 30 Hoàng Diệu chúng tôi đã say sưa theo dõi giải bóng đá Eruo 1988, khi đó Hà Nội hay mất điện trên diện rộng.
Chúng tôi thỉnh thoảng được gặp Bác trai và bác gái. Các bác hỏi chuyện chúng tôi, động viên chúng tôi rồi lại để chúng tôi tự do tiếp làm việc. Một Đại tướng rất bình dân, rất giản dị, nhưng luôn có một sức hút mạnh mẽ với chúng tôi, những người mới hết tuổi thanh niên. Tôi luôn tự hỏi, một vị tướng thiên tài đánh trăm trận, chỉ huy vạn quân nghìn tướng, lại giản dị đến như vậy. Tôi hiểu được rõ hơn chân lý những ngưỡi vĩ đại nhất lại là những người giản dị nhất.
Tôi liên tưởng tới Quân đội Nhân dân Việt Nam được ra đời trong những cánh rừng già Việt Bắc, còn đội quân FPT (mà hôm nay đã 15.000 người) đã được ra đời trong “cánh rừng” của 30 Hoàng Diệu.
Tháng 5/1964, khi mới 8 tuổi, tôi biết đến Điện Biên Phủ khá sinh động qua màn tái hiện chiến dịch tại sân Hàng Đẫy. Khi ấy là dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên. Mỗi lớp của các trường tại Hà Nội được cử một học sinh đi dự lễ kỷ niệm tại sân Hàng Đẫy. Hình ảnh còn đọng mãi trong tôi là cảnh bộ đội ta cầm cờ xông lên nóc hầm chỉ huy quân Pháp và vẫy cờ trên đó trong tiếng hoan hô của mọi người dự trên sân vận động.
Năm học lớp 10 (1973) tôi được gọi lên kiểm tra môn sử, đúng vào bài về chiến dịch Điện Biên. Tôi thuộc lòng diễn biến của chiến dịch không phải từ sách giáo khoa của chương trình lớp 10, mà do tôi đã đọc những tài liệu về chiến dịch Điện Biên trước đó (tôi vốn rất ham mê môn sử). Tôi say sưa kể về chiến dịch huy hoàng nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi còn trích dẫn nội dung, thời gian, địa điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc nhật lệnh mở màn chiến dịch (vốn không được đưa vào sách giáo khoa). Khi tôi kết thúc trình bày, cả lớp đã vỗ tay tán thưởng, chắc hẳn tôi đã có một trả bài xuất sắc
Ngày 7/5/1984 tôi đang học NCS tại Pháp. Như thường lệ tôi vẫn hay theo dõi chương trình thời sự buổi tối lúc 20h. Hôm đó tất cả các đài của Pháp đều mở đầu chương trình thời sự bằng tin “Cách đây 30 năm trước, vào ngày này, Điện Biên Phủ đã thất thủ”. Gần 1/3 chương trình thời sự được dành cho trận đánh Điện Biên Phủ. Nhiều tướng lĩnh, sỹ quan, nhiều nhà sử học được phỏng vấn. nhiều thước phim tư liệu được chiếu lên, trong đó có cả cảnh quay Bộ chỉ huy quân Việt Minh (tức QĐND Việt Nam theo cách gọi của người Pháp) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên Đại tướng được nhắc rất nhiều trong buổi thời sự đó. Người Pháp công nhận đã thua trong một trận chiến chiến lược của cuộc chiến tranh và không ngần ngại nói về cuộc thua đó.
Thăm Đại tướng nhân ngày QĐND VN năm 2006. Phu nhân Đại tướng, Đại tướng và tôi. Phía sau là anh Võ Hồng Nam, con út Đại tướng
Sau này ở FPT chúng tôi vẫn thường đến thăm Đại tướng nhân ngày chiến thắng Điện Biên, cũng như nhân ngày sinh nhật của Đại tướng hay ngày thành lập QĐND Việt Nam. Chúng tôi được Đại tướng tiếp thân mật luôn trong bộ quân phục đại tướng. Bác hỏi chuyện về FPT, về CNTT và viễn thông, đặc biệt Đại tướng rất quan tâm đến giáo dục, khi biết FPT có mở trường đại học. Tuy tuổi cao Bác vẫn rất minh mẫn cập nhật đủ các thông tin KH và CN mới nhât cũng như các thông tin về kinh tế của đất nước. Bác luôn căn dặn chúng tôi phải tiến sâu làm chủ KHKT, phải đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Ở Bác luôn toát ra một trí tuệ thông thái, một sự ân cần với thế hệ trẻ, một niềm tin vào dân tộc Việt Nam, một sự bình dị, gần gũi với với mọi người dân. Những lời căn dặn của Bác rất sát với nhiệm vụ của chúng tôi, rất đơn giản không to tát nhưng rất sâu sắc. Đó là những gì của một “Vị tướng của nhân dân”, của một lãnh tụ chân chính. Các bạn trẻ FPT luôn xin được chụp ảnh cũng Bác. Nhiều bạn bè quốc tế làm việc tại FPT nhất quyết đăng ký tham gia đoàn đến thăm Đại tướng. Nhiều lần chúng tôi ngồi đợi ở phòng chờ vì Bác còn bận tiếp các đoàn khác, chúng tôi xem kỹ vô số đồ vật, tranh, tượng, thư từ của quân dân từ khắp mọi miền đất nước gửi tặng Đại tướng với vô vàn hình thức thể hiện. Có lần chúng tôi ngồi chờ cùng một đoàn văn công quân đội đã cao tuổi, đã về hưu nhưng họ đến thăm và mong được hát cho Đại tướng nghe, dù chỉ một bài
Thăm Đại tướng nhân ngày QĐND VN năm 2007
Vậy đó, tôi có chút may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần tại 30 Hoàng Diệu.
Đại tướng có một sức hút kỳ lạ. Bác là Thánh sống giữa đời thường. Những dòng người xếp hàng trật tự dài hàng km để được vào viếng Bác tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu, những hoạt động tưởng nhớ ở khắp mọi miền của đất nước, nhất là những nơi Bác đã đi qua, đã minh chứng điều đó
Chúc mừng sinh nhật Đại tướng năm 2008
Nay Bác đã đi xa. Chúng con không còn được tới thăm Bác tại 30 Hoàng Diệu nữa. Nhưng hình ảnh, lời dạy, cuộc đời trong sáng của Bác còn mãi trong chúng con, trong bao thế hệ sau này. Người dân thương nhớ Bác, một khai quốc công thần của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một vị tướng huyền thoại của Việt Nam và của thế giới thế kỷ 20, một lãnh tụ trong sáng, bình dân, gần dân, người cuối cùng của thế hệ dựng nước Việt Nam mới, người cuối cùng trong số các học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thế hệ những nhà lãnh đạo đất nước mà người dân Việt Nam kính trọng, tin tưởng và thương yêu.
Và chắc hôm nay dòng người đến 30 Hoàng Diệu vẫn đông như những ngày qua. Trong những ngày này, 30 Hoàng Diệu là tâm điểm của người dân Việt Nam.
<Viết trên chuyến bay Hanoi-Taipei-Los Angeles>
Người post: NgocBQ
Ngày đăng: 10-10-2013 05:05
COMMENTS CỦA THÀNH VIÊN |
Xem 31 - 40 của tổng số 48 Comments
|
Tổng số bài và comment post theo từng khoa
Khoa | Bài viết | Comment |
Sinh | 563 | 9482 |
Lý | 387 | 2824 |
Hóa | 882 | 9765 |
Luật | 721 | 11647 |
Toán | 66 | 376 |
Kinh tế | 4 | 108 |
Câu Lạc Bộ | 30 | 1 |
NCS | 3 | 70 |
Bạn bè | 197 | 1189 |
Dự bị | 0 | 0 |
Ngôn ngữ | 2 | 2 |
10 người post bài nhiều nhất
User | Số bài viết |
TungDX | 289 |
NghiPH | 306 |
NgocBQ | 130 |
ThaoDP | 108 |
CucNT | 123 |
CoDM | 88 |
PhongPT | 73 |
HaiNV | 93 |
LiTM | 85 |
MinhCK | 70 |
10 người comment nhiều nhất
User | Comment |
Guest | 7169 |
NghiPH | 3219 |
LiTM | 1879 |
HaiNV | 1853 |
KhanhT | 1743 |
CucNT | 1718 |
TungDX | 1565 |
ThanhLK | 1545 |
VanNH | 1441 |
ThoaNP | 1257 |